Năm 2007 có thể được xem là năm của websearch Việt vì sự ra đời ào ạt của các công cụ tìm kiếm do người Việt điều hành. Có vẻ như sự phát triển này chỉ bành trướng thế lực ở các công cụ tìm kiếm có tính giải trí
Sống nhờ sữa mẹ
Dù chỉ vừa tròn 10 năm Internet có mặt tại Việt Nam, nhưng những nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến Việt Nam đã có khá nhiều hoài bão, khi nghiên cứu và đưa vào hoạt động các websearch Việt phục vụ cho nhu cầu tra cứu. Nếu cách đây chừng 5 năm, sự ra đời của PanVietnam, Hoatieu hay Vinaseek... được xem là tâm chấn của sự phát triển Internet tại Việt Nam thì đến hiện nay, những trang web này đã chính thức bước vào thời kỳ... ngắc ngoải. Dù đã nâng cấp thành phiên bản 3.01 với một số cải tiến trong thuật toán trong năm 2002 nhưng sự hỗ trợ của 3.000 website tiếng Việt trong và ngoài nước vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người sử dụng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Vinaseek dù cho Công ty Tinh Vân đã đầu tư gần 300 triệu đồng cho công cụ tìm kiếm trực tuyến này. Hiện nay, tuy vẫn hoạt động nhưng chẳng trang nào được đầu tư thêm. Quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ là tìm kiếm web sơ sài mà thiếu hẳn kho hình ảnh dự trữ. Hiện trạng này tất nhiên không thể thu hút quảng cáo, nguồn lợi sinh tồn của các website.
Đối lập với tình trạng èo uột này, chỉ riêng ông lớn Google, dù chưa có mặt tại Việt Nam nhưng cũng đã hỗ trợ bộ gõ tiếng Việt với bảng mã Unicode, phân nhánh thông tin tìm kiếm từ web đến hình ảnh, đến cả blog... để thuận tiện cho nhu cầu tra cứu khác nhau của các khách hàng. Sự non nớt của công nghệ thông tin Việt Nam mà so sánh với bậc lão làng Google có vẻ như hơi khập khiễng nhưng rõ ràng, các nhà cung cấp dịch vụ tra cứu Việt chỉ dựa vào lợi thế ngôn ngữ để ra đời các công cụ tìm kiếm thì chưa đủ.
Những gam màu mới
Thời gian gần đây, bức tranh ảm đạm của websearch Việt lại được thêm vào những gam màu mới. Lần lượt Timnhanh! rồi đến Monava... ra đời. Dù đã thu hút cư dân mạng bằng cách cung cấp 10 tin nhắn điện thoại cho di động mỗi ngày cho các thành viên nhưng khi truy cập Monava, người dùng phải đối mặt với tình trạng “rùa” bò của công cụ tìm kiếm này nên chẳng mấy ai hào hứng.
Cũng với tôn chỉ phục vụ cho người Việt cách thức tìm kiếm thông tin hiệu quả, nhà cung cấp Timnhanh! cho biết, họ tập trung các server của mình hướng vào Việt Nam để tìm kiếm, sàng lọc và sắp xếp các nguồn thông tin trong nước. Sở hữu công nghệ của Yahoo!, cố gắng của nhà cung cấp này bắt đầu đã được người sử dụng ghi nhận. Tuy nhiên, thế mạnh của Timnhanh! vẫn là kho âm nhạc, hình ảnh... của Việt Nam. Có vẻ như chỉ với lĩnh vực giải trí, websearch Việt mới chứng tỏ được khả năng của mình trong việc chinh phục người Việt.
Ra đời chỉ sau một thời gian ngắn, những cái tên như Zing.mp3, 7sac, Socbay... đã nhanh chóng trở thành từ khoá quen thuộc của cư dân mạng. Với giao diện thân thiện và cách cung cấp dữ liệu phong phú, những công cụ tìm kiếm giải trí trực tuyến này thực sự đã chinh phục được người sử dụng. Với Zing.mp3, một ca khúc, người dùng có thể nhận nhiều kết quả về ca sĩ trình bày và các thông tin liên quan phong phú từ tên ca khúc, tác giả... được sắp xếp khá rõ ràng. Đặc biệt, công cụ tìm kiếm nhạc trực tuyến này còn cung cấp cả video (nếu có) và đoạn mã code để có thể dán vào blog. Tiện ích này khiến nhiều blogger để mắt nhiều đến Zing.mp3. Đồng phát triển với Zing, công cụ tìm kiếm nhạc MP3 và video của Baamboo cũng đã có chỗ đứng riêng. Khả năng hỗ trợ lưu trữ file video nguồn vào máy chủ của Baamboo khiến người dùng hài lòng vì tốc độ xem video clip khá hoàn hảo. Có thể thấy, để tránh đối đầu với “già làng” Google, những nhà cung cấp này đã biết tập trung vào những lĩnh vực riêng. Điển hình như 7Sac, chỉ cung cấp dịch vụ tìm kiếm nhạc, blog và tổng hợp tin tức mà tránh tìm kiếm web vì biết chắc, có đầu tư thì cũng khó lòng cạnh tranh được.
Với lợi thế ngôn ngữ, tính bản địa cao, những công cụ tìm kiếm thông tin trong lĩnh vực giải trí do người Việt cung cấp cũng là điều dễ hiểu. Sự khéo léo trong việc chọn lĩnh vực của các nhà cung cấp Việt đã khiến những công cụ tìm kiếm trực tuyến này có thể “sống” tốt, dễ thấy nhất ở sự khoe sắc rực rỡ của các banner quảng cáo trên những trang này.
Có cần thiết?
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng khả năng cung cấp tài liệu tìm kiếm của các công cụ giải trí trực tuyến hiện nay là “ảo” vì có website sử dụng nguồn tài nguyên của... chính họ để cung cấp. Phần tìm kiếm thông tin trên các web khác chỉ là thứ yếu.
Không sở hữu công nghệ còn thuật toán search thì thuộc về các ông lớn... ra đời trong bối cảch như vậy, dù có được tung hô rầm rộ như thế nào thì websearch Việt cũng dễ dàng chết non trong một vài năm tới, khi mà các ông lớn Google, Yahoo!... nhảy vào thị trường Việt Nam. Nếu không tìm được hướng đi riêng, chắc chắn, những công cụ tìm kiếm này sẽ dần chết trong hào quang của chính mình. Đâu thể nào cứ tự hào người Việt dùng hàng Việt theo thói quen tự cung, tự cấp mãi?